Nóng rát ở lòng bàn chân và bàn tay có phải là biến chứng tiểu đường?

Câu hỏi:

Độc giả giấu tên: Cho em hỏi, má em bị nóng rát ở lòng bàn chân và lòng bàn  tay thì có phải là biến chứng tiểu đường ở chân không? Má em bị tiểu đường 3 năm rồi chưa bao giờ có biểu hiện như vậy cả, xin bác sĩ tư vấn.

Trả lời

Chào bạn!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi này đến cho chúng tôi. Biểu hiện nóng rát bàn tay, bàn chân ở người bệnh tiểu đường rất có thể là dấu hiệu của biến chứng tiểu đường ở bàn chân. Tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Gián tiếp là đường huyết tăng cao và trực tiếp là do những chất oxy hóa sinh ra khi glucose máu tăng gây tổn thương thần kinh và mạch máu.

Cách giảm biến chứng tiểu đường ở bàn chân

Để cải thiện tình trạng bệnh, bạn nên khuyên má áp dụng nhiều giải pháp cùng lúc bao gồm:

  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh đường huyết tăng cao quá mức cho phép.
  • Tập thể dục thường xuyên: Giải pháp này vừa hỗ trợ má của bạn giảm đường huyết vừa giúp tăng lưu thông máu đến các chi, từ đó làm tăng hiệu quả giảm tê bì. Không cần tập các bài tập quá nặng, mà nên chạy bộ tại chỗ, đạp xe, yoga sẽ tốt hơn khi bạn bị tê bì.
  • Giữ ấm chân tay: Chân tay bị lạnh sẽ khiến máu khó lưu thông và làm tình trạng tê bì nặng hơn. Do đó trong mùa đông, bạn nhớ khuyên má đi tất, mặc áo dày để giữ ấm cơ thể, nhưng cần hạn chế mặc quần áo quá chật nhé.
  • Massage, chườm ấm: Cách này sẽ mẹ của bạn giúp giảm tê bì tạm thời. Có thể áp dụng ngay khi thấy bị tê bì nhiều gây khó chịu.
  • Sử dụng giày hoặc dép kín mũi: Bạn nên khuyên má không nên đi dép hở mũi hoặc đi chân đất mà nên đi dép hoặc giày kín mũi, vừa chân và xỏ tất mềm, thoáng.
  • Giúp máu lưu thông đến chân: có thể gác chân khi ngồi và lắc lư các ngón chân nhiều lần trong một ngày. Ngoài ra cũng không ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài.
  • Đi khám định kỳ: Trong mỗi lần kiểm tra tiểu đường, cũng nên khám chân kỹ lưỡng. Cứ 2-3 tháng nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe một lần, ngay cả khi không còn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường.
  • Rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày: Nên dùng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để rửa chân mỗi ngày. Tuy nhiên không nên ngâm chân, sau khi rửa xong thì cần dùng khăn lau cho khô, đặc biệt là ở các kẽ chân.
  • Thường xuyên kiểm tra bàn tay bàn chân để kịp thời phát hiện các vết thương, vết loét và có phương pháp can thiệp kịp thời, để tránh nhiễm trùng, hoại tử.