Đường huyết 22 chấm, HbA1c 11.7 có nguy hiểm không? Phải làm sao?

Câu hỏi:

Chồng em mới bị tiểu đường mà đường huyết 22 chấm, HbA1C 11.7%. Bác sĩ bảo như vậy rất là cao. Em muốn hỏi bị như vậy có nguy hiểm quá không, làm sao để nhanh hạ xuống?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chúng tôi!

Xin gửi đến bạn lời giải đáp của ThS. BS Nguyễn Huy Cường – Nguyên phó trưởng khoa Đái tháo đường, BV Nội tiết Trung Ương câu trả lời như sau:

“Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường không nhất định nằm ở đường huyết cao. Nhất là với những người mới mắc, đường huyết cao không đồng nghĩa với việc bạn có bị đái tháo đường nặng hay không.

Bệnh tiểu đường có nguy hiểm hay không là do người bệnh có biến chứng hay chưa có biến chứng, chứ không phải là do mức độ đường huyết. Kể cả đường huyết hiện tại của chồng bạn là 22 mmol/l, chỉ cần dùng thuốc hoặc tiêm insulin, thì rất nhanh đường huyết sẽ được đưa về bình thường.

Cả đường huyết và cả HbA1C của chồng bạn đều cao, thông thường người bệnh sẽ được chỉ định tiêm insulin và có thể là kết hợp với thuốc uống. Khi đường máu ổn định trong ngưỡng an toàn rồi, thì chúng ta có thể tạm ngưng thuốc. Đây là cách tốt nhất và nhanh nhất để giúp thoát khỏi đường huyết cao.”

Đường huyết cao có nguy hiểm không?

Biến chứng của bệnh tiểu đường là hệ quả nghiêm trọng, trong đó, biến chứng tim mạch chiếm tới 70% tỉ lệ tử vong do đái tháo đường. Chưa kể hàng loạt các triệu chứng như tê bì tay chân, tiểu nhiều, mờ mắt, giảm sinh lý… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Nên làm gì khi chỉ số đường huyết cao?

Sau khi đã tiến hành kiểm tra các chỉ số, người bệnh cần làm gì khi chỉ số đường huyết cao hơn bình thường? Đầu tiên, người bệnh nên lắng nghe nhận định từ bác sĩ, những lý do có thể khiến cho chỉ số đường huyết trong tăng cao. Thứ hai, nên thực hiện những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt thường ngày, để chỉ số đường huyết của người bệnh được điều chỉnh lại ổn định hơn.

Việc thay đổi từng chút một trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân như:

  • Cần tích cực ăn nhiều rau xanh trong các bữa ăn hàng ngày.
  • Hạn chế ăn thịt đỏ, đồ có nhiều dầu mỡ như chiên, rán.
  • Hạn chế ăn tinh bột có nhiều carbohydrate như cơm trắng, khoai tây,… (các bạn có thể đổi sang ăn cơm gạo lứt, các loại hạt, khoai lang,...).
  • Ăn trái cây có nhiều loại vitamin, hạn chế ăn những loại trái cây chứa nhiều đường như nhãn, vải, hay loại quả có nhiều năng lượng chất béo không tốt như sầu riêng,…
  • Uống nhiều nước lọc, hạn chế nước ngọt, bia, rượu, cafe, nước dạng có gas
  • Bánh ngọt, trà sữa, thức ăn nhanh cũng nên hạn chế ở mức cao nhất.
  • Ngủ sớm, dậy sớm tập luyện thể thao mỗi ngày để tinh thần được thư giãn, thoải mái.

Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống phù hợp, cũng như việc sử dụng thuốc uống theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bởi bệnh tiểu đường hiện này là bệnh vẫn chưa có giải pháp chữa trị dứt điểm, chỉ có thể điều hòa, ổn định lại chỉ số đường huyết để không bị tăng cao gây nguy hiểm.