Đau xương khớp có phải biến chứng của bệnh tiểu đường không?

Câu hỏi:

Chào bác sĩ, tôi bị tiểu đường 3 năm rồi. Giờ tình trạng bệnh chuyển nặng hơn, tôi thường xuyên thấy đau xương khớp, các khớp gối, khớp bàn chân. Vậy xin hỏi bác sĩ, đau xương khớp có phải biến chứng tiểu đường không? Mong bác sĩ giải đáp giúp?

Trả lời:

Chào bạn,

Tình trạng người tiểu đường bị đau nhức xương khớp cũng là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường, do đường huyết cao nên thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp, viêm khớp. Trong số đó, các vị trí đau ở khớp gối hay khớp bàn chân tương tự như bạn chiếm đến 71% trên tổng số người bệnh tiểu đường bị biến chứng xương khớp.

Để giảm đau khớp hiệu quả, bạn có thể thực hiện theo các lời khuyên sau đây:

+ Xây dựng thói quen lành mạnh: Sống lành mạnh, khoa học sẽ giúp bạn ổn định đường huyết tốt hơn đồng thời giúp phòng ngừa và cải thiện các biến chứng của bệnh tiểu đường đến xương khớp. Bên cạnh việc ăn nhiều rau xanh, bạn nên hạn chế tinh bột, lựa chọn thêm những thực phẩm giàu canxi như sữa ít đường, đậu phụ, hạnh nhân, cá,  các loại rau màu xanh sẫm… để tránh loãng xương.

+ Luyện tập đúng cách: Việc lựa chọn các bài tập phù hợp sẽ vừa giúp kiểm soát lượng đường huyết vừa tránh tạo ra áp lực lên các khớp xương. Đối với người gặp phải biến chứng ở bàn chân như có vết thương, vết loét, nóng rát, đau khớp gối, chân tay tê bì,… tốt nhất nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như tập đạp xe đạp trên không (nằm ngửa, giơ cao hai chân và thực hiện các động tác như đang đạp xe), tập hít thở hay bơi lội. Nếu bị đông cứng khớp vai thì nên tập các động tác cử động vai lên xuống, xoay vai ra trước sau nhẹ nhàng hoặc tập duỗi, nắm bàn tay (nắm bóng) nếu bàn tay bị co cứng.

+ Chăm sóc bàn chân mỗi ngày: Người bệnh bị biến chứng xương khớp rất dễ mắc kèm biến chứng bàn chân nếu không chăm sóc tốt. Dưới đây là một số mẹo chăm sóc bàn chân giúp bạn giảm rủi ro này:

  • Vệ sinh và giữ bàn chân sạch sẽ. Sau khi rửa chân, bạn cần dùng khăn sạch thấm khô nước, nhất là ở vùng kẽ chân.
  • Chọn dép, giày vừa kích cỡ và mang tất mềm.
  • Xoa bóp hoặc chườm ấm bàn chân để tăng lưu thông máu.
  • Không ngồi bắt chéo chân.
  • Luôn kiểm tra bàn chân để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường như sưng đỏ,vết thâm, chai, xước,… và kịp thời thăm khám bác sĩ.

Dấu hiệu đau xương khớp ở người bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người cao tuổi xảy ra rất phổ biến. Đó có thể là do lão hóa tuổi tác nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân do biến chứng  tiểu đường  đến xương khớp. Điều quan trọng nhất là bạn cần phát hiện sớm và biết cải thiện đúng cách thì sẽ có thể giảm nhẹ bệnh dễ dàng và nhanh chóng hơn.

https://youtu.be/2kEXspqdntA