Chuột rút, tê bì tay chân do biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường?

Câu hỏi:

Tê bì tay chân, chuột rút, cảm giác đau tê như kiến bò, kim châm có phải là triệu chứng sớm của biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường. Làm sao để cải thiện? Xin được tư vấn.

Trả lời:

Chào bạn,

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Chúng tôi xin giải đáp câu hỏi của bạn như sau:

Nguyên nhân gây bệnh tê chân tay ở người tiểu đường

Nguyên nhân chính gây ra triệu chứng tê bì tay chân khi bị tiểu đường là do các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương.

Cụ thể, đường huyết cao lâu ngày sẽ khiến các mạch máu nhỏ bị tổn thương, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh. Khi các dây thần kinh không được nuôi dưỡng sẽ bị tổn thương, tín hiệu cảm giác từ các chi đến não cũng bị gián đoạn. Hậu quả là người bệnh có thể có cảm giác bị tê bì ở các chi. Đây là triệu chứng đầu tiên của biến chứng thần kinh ngoại biên của căn bệnh tiểu đường.

Biểu hiện tê bì thường bắt đầu từ các đầu ngón tay, ngón chân, sau đó là cả bàn tay và bàn chân. Người bệnh có thể bị kèm một số triệu chứng khác như bị ngứa ran, nóng rát bàn chân, cảm giác kim châm trên da, đau hoặc bị chuột rút… Các triệu chứng nặng hơn thường vào ban đêm khiến bạn khó chịu và mất ngủ. Cuối cùng bạn có thể sẽ mất hoàn toàn cảm giác ở tay, chân.

Cách chữa tê tay chân, chuột rút cho người tiểu đường

Để chữa tê bì tay chân do biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường, người bệnh cần ổn định đường huyết ở giới hạn cho phép và phải ngăn chặn quá trình tổn thương hệ thống thần kinh. Dưới đây là các giải pháp điều trị tê bì chân tay hiệu quả, bạn có thể áp dụng:

Massage vùng tay chân bị tê bì

Thường xuyên xoa bóp vùng tê bì, chuột rút sẽ giúp tăng lưu thông máu, đồng thời làm giảm căng thẳng cho các dây thần kinh, từ đó giúp cải thiện cảm giác cho đôi chân của bạn.

Tập thể dục để tăng lưu thông máu

Đặc điểm của tê bì chân tay ở người bệnh tiểu đường là đau tê nhiều khi nghỉ ngơi và đỡ hơn khi vận động. Do đó, tập luyện thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng cũng sẽ giúp tăng tuần hoàn máu tới các chi, kiểm soát tốt lượng đường huyết và cải thiện tình trạng tê bì hiệu quả.

Đôi khi, tê bì tay chân ở người bệnh tiểu đường thường đi kèm với các cơn đau ở các chi, vì vậy bạn cần lựa chọn bài tập phù hợp. 

Chườm, tắm hoặc ngâm chân bằng nước ấm

Nước ấm cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng tê tay ở người tiểu đường nhờ tăng lưu thông máu. Người bệnh tiểu đường có thể thực hiện các biện pháp giúp giảm tê bì chân tay bằng cách chườm nóng (sử dụng túi chườm), tắm hoặc ngâm chân, tay bằng nước ấm.

Nhiệt độ ngâm chân tốt nhất là khoảng từ 40 – 45 độ C. Tuy nhiên, biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường còn khiến cho bạn mất cảm giác, giảm nhạy cảm với nhiệt độ. Do đó, bạn không nên tự kiểm tra nhiệt độ của nước mà có thể nhờ người thân. Trong trường hợp bất đắc dĩ không có người thân ở bên cạnh, bạn có thể thử nước bằng khuỷu tay, bởi vì đây là vị trí ít bị mất cảm giác nhất do tổn thương dây thần kinh.

Sau khi tắm hoặc ngâm chân nên dùng khăn mềm, khô, sạch để lau khô nước trên cơ thể, đặc biệt là giữa các ngón tay, ngón chân để tránh ẩm thấp, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi nấm phát triển.

Tin rằng với các giải pháp này, bạn sẽ sớm cải thiện được tê bì tay chân do biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường và phục hồi sức khỏe.

Còn điều gì băn khoăn hãy cứ bình luận phía dưới nhé.