Chế độ ăn và cách điều trị phù chân cho người tiểu đường

Câu hỏi:

Bác sĩ cho cháu hỏi bố cháu bị tiểu đường, vẫn uống thuốc và tiêm đều nhưng hai chân bị phù lên. Xin bác sĩ cho cháu biết chế độ ăn và cách điều trị phù chân cho người tiểu đường với ạ?

Trả lời:

Chào bạn,

Bố của bạn bị tiểu đường type 2 mà có dấu hiệu bị phù chân thì có hai khả năng xảy ra:

– Thứ nhất, bố bạn đã bị biến chứng thận của bệnh tiểu đường hoặc hội chứng thận hư.

– Thứ hai, bạn xem lại trong các loại thuốc mà bố mình đang sử dụng có thuốc hạ huyết áp hay không. Nếu bác bị tăng huyết áp mà dùng thuốc hạ áp có chứa chất amlodipine thì cũng có thể bị tác dụng phụ dẫn đến phù chân.

Nếu bố bạn không dùng thuốc hạ huyết áp nào thì có thể loại trừ nguyên nhân thứ hai. Bạn nên đưa bác đến bệnh viện để làm xét nghiệm Albumin trong nước tiểu (Albumin niệu) hoặc albumin niệu vi thể (microalbumin) và làm một số xét nghiệm khác để đo chức năng thận và phát hiện sớm bệnh thận do tiểu đường. 

Chế độ ăn và cách điều trị phù chân cho người tiểu đường

Ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, lượng đường huyết cao phá hủy các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng cầu thận. Song song với đó, thận phải hoạt động quá công suất để giúp đào thải đường qua nước tiểu nên dần mất đi khả năng lọc máu. Có khoảng 20 – 40% người bệnh tiểu đường sẽ bị biến chứng thận, suy thận.

Chế độ ăn cho người tiểu đường bị phù chân 

Người tiểu đường nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp ( GI<55)

+ Cung cấp glucid: Chọn các loại carbohydrat hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen…giảm gạo, ngô, khoai, mỳ, không nên ăn miến dong…

+ Cung cấp protein: các loại thịt nạc, cá, đậu đỗ, lạc, vừng, sữa không đường.

+ Cung cấp lipid: nên dùng dầu thay mỡ, không nên ăn những thực phẩm nhiều chất béo bão hòa như các loại phủ tạng động vật, bơ, pho mát,  thịt mỡ, ... Cần tránh các loại mỡ trung chuyển, phát sinh khi ăn thức ăn chiên rán, thức ăn được chiên ngập dầu mỡ. Nên chọn các chất béo không bão hòa đơn có trong bơ, quả hồ đào, hạnh nhân hoặc chất béo không bão hòa có trong quả óc chó, dầu hướng dương, có thể giúp giảm cholesterol 

+ Cung cấp vitamin và khoáng: ăn các loại rau, củ, quả tươi, những loại rau có màu xanh lá cây như rau cái, dưa leo, súp lơ, bắp cải… hạn chế ăn những quả quá ngọt như:  chuối, na, mít ( GI cao) nên ăn các loại quả có chỉ số đường huyết thấp như: bưởi, táo, cam, lê, …

- Giảm muối trong bữa ăn xuống còn khoảng 2300mg Natri mỗi ngày

- Các yếu tố vi lượng: người bệnh nên chú ý bổ sung các yếu tố vi lượng nếu thiếu, ví dụ sắt ở những người ăn chay trường. Dùng Metformin lâu ngày rất có thể gây thiếu vitamin B12

- Ngưng hút thuốc lá

Người bị bệnh tiểu đường bị phù chân cần kết hợp chế độ ăn hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ.

Còn điều gì thắc mắc về bệnh tiểu đường hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi nhé. Chúc bạn và gia đình sức khỏe!