Biện pháp điều trị tiểu đường bị tê bì, xơ vữa động mạch chân

Câu hỏi:

Bố tôi mắc tiểu đường biến chứng thần kinh, xơ vữa động mạch hai chân, tê bì và đau như kim châm thì phải làm sao thưa bác sĩ? Có biện pháp tập luyện nào giúp giảm tê bì hay không ạ?

Trả lời:

Chào bạn,

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch chân là biến chứng rất hay gặp và rất nặng ở người bệnh tiểu đường. Biến chứng này liên quan trực tiếp đến tình trạng kiểm soát đường huyết không tốt trong nhiều năm liền. Khi biến chứng của bệnh đã xảy ra rồi, rất khó để quay lại thời điểm xuất phát, tức là rất khó để có thể hồi phục hoàn toàn. 

Tê bì và đau nhức như kim châm cũng là một biểu hiện điển hình của biến chứng thần kinh đái tháo đường. Mỗi bệnh nhân cần có những giải pháp điều trị riêng để giảm tê bì, nhưng nhìn chung đều tuân theo các lưu ý và nguyên tắc dưới đây:

Thứ nhất: Duy trì ổn định đường huyết để làm hạn chế biến chứng thần kinh nặng hơn. Bạn cần xem lại chế độ dinh dưỡng, tập luyện của bố mình đã hợp lý chưa.

Thứ hai: Kiểm soát chỉ số mỡ máu của bố bạn. Tình trạng xơ vữa động mạch chân của người tiểu đường có liên quan nhiều đến nồng độ mỡ máu cao. Bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc để làm giảm mỡ máu, bạn nhớ nhắc bố chú ý sử dụng thuốc đều đặn. 

Một sai lầm mà nhiều người bệnh tiểu đường mắc phải đó là kiêng hoàn toàn chất béo trong chế độ ăn khi thấy lượng mỡ máu cao. Điều này đã vô tình sẽ làm thiếu dưỡng chất cho các dây thần kinh và càng làm nặng hơn tình trạng đau, tê bì. Bố của bạn cần lưu ý chỉ cần hạn chế những chất béo có hại trong mỡ gà, mỡ lợn, da động vật, thịt đỏ… Thay vào đó, nên bổ sung các nguồn chất béo có lợi từ dầu thực vật, bơ, trứng gà,  đậu nành, sữa chua…

Thứ ba: Sử dụng một số loại thuốc giảm đau. Các thuốc giảm đau thần kinh như Pre-gabalin, Gaba-pentin… sẽ giúp người bệnh tiểu đường giảm cảm giác đau và tê bì. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp giảm đau tạm thời và cũng không giải quyết hoàn toàn được căn nguyên của bệnh.

Thứ tư: Tập luyện cũng là một giải pháp giúp hỗ trợ giảm đau hiệu quả do làm tăng lưu lượng máu đến chân. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý khi đã bị tê bì thần kinh, cơ thể sẽ không còn nhạy cảm với cảm giác đau nữa. Đôi khi các vết thương xảy ra khi người bênh tập luyện gắng sức hoặc mang giày không phù hợp sẽ tạo điều kiện để hình thành các vết lở loét với nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử và cắt chi rất cao. Người bệnh cần tập luyện kết hợp với kiểm tra bàn chân hàng ngày để tránh tổn thương đó xảy ra.