Biến chứng tăng đường huyết kèm biến chứng thần kinh ở người tiểu đường phải làm sao?

Câu hỏi:

Chào bác sĩ! Mẹ tôi bị tiểu đường, chỉ số đường huyết cao trên 22 chấm. Mấy ngày nay mẹ bị mệt mỏi không ăn được cũng không đi lại được. Hiện nay mẹ đang phải nhập viện tiêm thuốc và uống thuốc theo chỉ định mà đường huyết vẫn cao, có biểu hiện trên thần kinh "mất cảm giác", co cơ cứng khớp. Xin bác sĩ tư vấn giúp!

Trả lời:

Chào bạn,

Hiện tại theo tôi thấy thì mẹ bạn đang gặp nhiều biến chứng tiểu đường phối hợp:

– Biến chứng tăng đường huyết cấp tính (chỉ số đường huyết cao trên 22 chấm)

– Biến chứng thần kinh do tiểu đường với biểu hiện mất cảm giác

– Biến chứng cơ xương khớp với biểu hiện co cứng các khớp

Đối với biến chứng tăng đường huyết cấp tính, bạn nên giữ cho mẹ mình tránh bị nhiễm trùng bởi nhiễm trùng sẽ khiến mức đường huyết tăng cao hơn nữa và gây nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu. Hiện tại bác đang điều trị tại bệnh viện thì cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ của bệnh viện để đưa chỉ số đường huyết về mức an toàn.

Biến chứng tăng đường huyết kèm biến chứng thần kinh ở người tiểu đường, phải làm sao?

Ổn định đường huyết cũng là việc đầu tiên mà người bệnh cần làm nếu muốn cải thiện biến chứng thần kinh hay biến chứng xương khớp do tiểu đường. Nếu bị tổn thương thần kinh nặng, mẹ của bạn cần điều trị tăng dẫn truyền thần kinh với vitamin nhóm B và giảm đau thần kinh…

Điều trị và phòng ngừa biến chứng thần kinh do tiểu đường

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thần kinh tiểu đường cũng như các biến chứng thần kinh của nó. Theo đó, việc điều trị chủ yếu là phải kiểm soát tốt đường huyết để giúp làm chậm diễn tiến bệnh. Ngoài ra, nếu những biểu hiện quá khó chịu và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, người bệnh có chỉ định dùng thuốc giảm đau thần kinh cũng như cần điều trị theo triệu chứng, phục hồi chức năng.

Vấn đề phòng ngừa biến chứng tiểu đường vẫn luôn được đặt lên hàng đầu, áp dụng cho người bệnh tiểu đường và cả người bình thường chưa từng mắc bệnh.

  • Đối với bệnh nhân tiểu đường, cần tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn và tập luyện thể dục thường xuyên; liệu trình điều trị, tái khám định kỳ; thường xuyên tập luyện thể chất để duy trì mức cân nặng thích hợp, ngưng hút thuốc và hạn chế uống bia rượu. Nên theo dõi huyết áp, đường huyết tại nhà cũng như nhận biết sớm các dấu hiệu tổn thương thần kinh, quan sát và chăm sóc bàn chân kỹ lưỡng để tránh các vết loét, không làm nặng thêm các biến dạng khác mà bàn chân đã có.
  • Đối với người bình thường, cần thăm khám sức khỏe định kỳ và làm xét nghiệm tổng quát giúp phát hiện, điều trị sớm bệnh tiểu đường, ngăn ngừa dẫn đến biến chứng thần kinh nói riêng và các biến chứng khác của bệnh tiểu đường, biến cố tim mạch nói chung.