Câu hỏi:

Chào bác sĩ! Mẹ em bị tiểu đường lâu rồi, gần đây hay bị ngứa da đặc biệt là ở cánh tay. Đi khám thì bác sĩ nói mẹ em bị biến chứng tiểu đường. Dạo này mẹ em lại bị thêm đau nhức cánh tay. Xin hỏi tình trạng ngứa và đau nhức cánh tay của người tiểu đường có nguy hiểm không?

Trả lời:

Chào bạn,

Bệnh tiểu đường gây ngứa, đau nhức cánh tay là biểu hiện sớm của biến chứng thần kinh tiểu đường, do đường huyết tăng cao kéo dài ảnh hưởng tới dây thần kinh:

Ngứa da ở người tiểu đường do rối loạn thần kinh vận mạch, làm giảm tiết mồ hôi ở các bộ phận gốc chi như chân, tay. Ban đầu, mẹ bạn có thể chỉ là bị ngứa. Nhưng sau đó, bác có thể bị thêm các biểu hiện khác như: da bong tróc, trầy xước, rạn nứt, dễ gây nhiễm trùng trên da, hình thành nên các vết viêm loét rất khó điều trị.

Còn tình trạng đau nhức cánh tay là do tổn thương dây thần kinh ngoại vi của bệnh tiểu đường. Khi dây thần kinh ngoại vi bị tổn thương, ngoài đau nhức, mẹ bạn có thể bị tê bì, cảm giác như có kiến bò ở chân, tay rất khó chịu, lâu dần sẽ bị mất cảm giác (không cảm nhận được nóng, lạnh khi tiếp xúc…). Quan trọng hơn, tổn thương thần kinh ngoại vi còn là tiền đề để thúc đẩy một biến chứng nguy hiểm hơn, đó chính là biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ phải cắt cụt chân, tàn phế.

Từ đó có thể thấy, tình trạng tiểu đường gây ngứa da và đau nhức ban đầu có thể chỉ gây khó chịu, mệt mỏi nhưng không quá nguy hiểm. Nhưng nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, những tổn thương thần kinh sẽ dần nặng hơn và gây ra các hậu quả nặng nề khác, ví dụ như viêm loét hay cắt cụt chân.

Tuy nhiên, vẫn có cách để giúp mẹ bạn cải thiện, giảm các triệu chứng này tối đa để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sức khỏe của bác nhiều như hiện tại nữa.

Với biến chứng, dù là biến chứng thần kinh hay biến chứng xương khớp thì điều đầu tiên, bác cần làm vẫn là phải ổn định được đường huyết, bằng cách ăn uống, tập luyện, sử dụng các thuốc khoa học hơn. Thuốc bác cần dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ và cứ khoảng 3 tháng thì đi khám lại để bác sĩ thay đổi liều thuốc cho phù hợp nếu cần. Còn về phần tập luyện, bác đang bị đau nhức cánh tay thì chỉ nên tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, thái cực quyền, dưỡng sinh để hạn chế tạo áp lực lên khớp xương.

Người tiểu đường bị ngứa da thường sẽ có phản ứng gãi để giảm ngứa. Tuy nhiên bản thân hệ miễn dịch của người bệnh đã kém hơn bình thường. Khi gãi mạnh sẽ để lại vết xước trên da và sẽ lâu lành, dễ nhiễm trùng hơn. Vì vậy, bạn nhắc bác cố gắng hạn chế việc gãi mạnh. Bác có thể dùng khăn lạnh hoặc xoa nhẹ vào vùng bị ngứa để giảm cảm giác khó chịu. Ngoài ra có 1 mẹo giảm ngứa dân gian cũng khá hiệu quả là dùng nước lá khế chua tắm,cũng có thể áp dụng.